WONDER WEEK – TUẦN KHỦNG HOẢNG CỦA TRẺ – NHỮNG ĐIỀU MẸ NÊN BIẾT (PHẦN 1)

Có mẹ nào đã từng nuôi con nhỏ gặp trường hợp trẻ đang ngoan ngoãn, ăn ngon, ngủ tốt lại đột ngột có vài ngày đến vài tuần “khó ở”, con trở nên cáu bẵn, quấy khóc, biếng ăn, biếng ngủ và nhạy cảm với mọi thứ xung quanh chưa?

Những lúc như vậy các mẹ sẽ làm gì nhỉ? Lo lắng, bất an, mất ăn mất ngủ, cuống cuồng tìm mọi biện pháp để “xử lý” ngay lập tức các “ triệu chứng” của con?

Nhưng mẹ ơi! Mẹ biết không, đây là biểu hiệu hết sức bình thường của trẻ khi trải qua những giai đoạn phát triển mà khoa học gọi là Wonder Week hay Tuần lễ khủng hoảng của trẻ.

Những thay đổi bất thường của bé vô hình tạo nên áp lực cho mẹ.

Vậy Wonder Week thực sự là gì? Phát sinh vào những thời điểm nào? Biểu hiện ra sao? Và làm thế nào để cả Mẹ và Bé cùng vượt qua giai đoạn này một cách khoa học? Hãy cùng Dr. Celine tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Bài viết có thể hơi dài, mẹ nào đã tìm hiểu rồi có thể lướt qua. Nhưng với các mẹ đang nuôi con nhỏ hoặc các chị em chuẩn bị làm mẹ còn mơ hồ về khái niệm này thì Dr. Celine khuyên chân thành mẹ nên dành chút thời gian để đọc hết bài viết. Nó sẽ cực kì hữu ích để giúp các mẹ chăm bé tốt hơn và đỡ vất vả hơn!

Wonder Week là gì?

Wonder week – Tuần lễ khủng hoảng được hiểu là giai đoạn thay đổi trong quá trình phát triển tâm – sinh lý của một đứa trẻ từ 5 tuần đến 18 tháng tuổi. Giai đọan mà con bắt đầu nhận thức và hiểu được những điều xung quanh mà trước đây con chưa hiểu. Điều này đến với trẻ đột ngột và bất ngờ khiến con có những “cơn” stress như bỗng dưng biếng ăn, mất ngủ, bám mẹ, quấy khóc vô cớ,…

Tuy nhiên, các mẹ đừng vội lo lắng, vì đây là giai đoạn đánh dấu sự phát triển tuyệt vời về trí tuệ và khả năng vận động. Sau giai đoạn này con sẽ có 1 bước tiến rõ rệt nào đó như học được cách lẫy, bò, ngồi, đi….Và tất nhiên bé sẽ trở nên dễ tính hơn, ngoan ngoãn và ăn ngủ lại được bình thường.

Mỗi Wonder Week đều gắn liền với sự phát triển về trí tuệ và khả năng vận động của bé.

Mặc dù mỗi bé là một cá thể riêng biệt, có những đặc điểm về tâm – sinh lý khác nhau nhưng ở giai đoạn đầu của sự phát triển, các con đều sẽ trải qua các mốc thời gian có trật tự tương tự nhau.

Biết được các thời điểm của Wonder Week sẽ giúp mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc con, không còn hoang mang, lo lắng trước những biểu hiện “trái gió trở trời” của trẻ nữa cũng như có thể hỗ trợ con sớm vượt qua và học được các kỹ năng mới.

Các thời điểm của Wonder Week

Có tất cả 10 Wonder Week trong giai đoạn trẻ từ 0 – 24 tháng tuổi, mốc thời điểm của Wonder Week thường rơi vào các tuần thứ 5, 8, 12, 19, 26, 37, 46, 55, 64 và 75 tính từ ngày dự sinh! Có nhiều nhằm lẫn khiến một số mẹ lấy ngày thực sinh làm mốc để tính Wonder Week cho trẻ.

Nhưng mẹ ơi, não bộ của trẻ phát triển ngay từ trong bụng mẹ và tiếp tục hành trình phát triển sau khi bé được sinh ra đời. Dựa trên việc theo dõi sự phát triển của bào thai, các bác sĩ sẽ tính toán đưa ra ngày dự sinh. Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động ngày em bé chào đời lại khác với ngày dự sinh đưa ra trước đó. Vì vậy mẹ cần nhớ, xác định tuần lễ khủng hoảng cần lấy thời gian dự sinh làm mốc.

Biểu hiện của Wonder Week ở trẻ

Các biểu hiện thường thấy khi trẻ rơi vào giai đoạn Wonder Week:

  • Dễ cáu gắt, bực bội, quấy khóc cả ngày, đặc biệt vào ban đêm.
  • Khó ngủ, giấc ngủ không sâu và dễ giật mình tỉnh giấc tỉnh giấc.
  • Biếng ăn, lười ti mẹ dù trước đó đang ăn rất tốt.
  • Đòi bế cả ngày, bám mẹ và nũng nịu mẹ nhiều hơn.
  • Nhạy cảm với môi trường xung quanh, trở nên nhút nhát và sợ người lạ.
Con quấy khóc, cáu bẵn thường xuyên trong thời gian Wonder Week

Những biểu hiện cụ thể cũng như những kỹ năng được hình thành trong từng giai đoạn Wonder Week sẽ được Dr. Celine chia sẻ ở phần 2 mẹ nhé!

Những điều mẹ có thể làm để giúp trẻ vượt qua khủng hoảng một cách khoa học

Có một vài tip mà mẹ có thể áp dụng khi “bão tố” Wonder Week kéo đến như:

– Kiểm tra kỹ các nguyên nhân khách quan khiến bé khó chịu: đói bụng, buồn ngủ, tã bẩn, đầy bụng, sốt cao,… để giúp bé giảm tối đa sự khó chịu. Nếu nguyên nhân không nằm ở các vấn đề trên mà từ tâm trạng của bé trong giai đoạn này thì cách mẹ nên áp dụng là chấp nhận và mặc kệ cho đến khi “cơn bão” đi qua.

– Tuần khủng hoảng wonder week, mẹ hãy cho con đi ngủ sớm hơn nếp ngủ bình thường khoảng 30-45 phút. Có thể giảm bớt 1 giấc ban ngày nếu mẹ muốn trẻ ngủ tốt hơn vào ban đêm (áp dụng với tuần 12 – 26 hoặc 37 – 55 hoặc 64).

– Nếu con biếng “ăn” cũng đừng vội lo lắng và đừng cố ép con “ăn”. Khi bé đói bé sẽ biết cách tìm mẹ.  Nếu bé biếng ăn vào giai đoạn ăn dặm hãy thường xuyên làm những món trước kia bé yêu thích để kích thích bé ăn được nhiều hơn.

– Thay vì lo lắng cuống cuồng hoặc cáu gắt và ép con theo ý mình. Mẹ hãy quan tâm và nuông chiều con một chút trong giai đoạn này. Cùng con thực hiện các hoạt động mà con thích thú, chỉ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ cho bé sau khi chơi.

Thay vì lo lắng hoặc cáu gắt và ép con theo ý mình. Mẹ hãy quan tâm và nuông chiều con một chút trong giai đoạn này

Tóm lại

Wonder Week là một quá trình phát triển tự nhiên mà bé nào cũng sẽ trải qua, sau thời gian khủng hoảng, bé sẽ ngoan ngoãn và trở lại quỹ đạo ban đầu. Việc mẹ cần làm khi trẻ rơi vào giai đoạn Wonder Week chính là: hãy thả lỏng bản thân và để mọi thứ diễn ra thật tự nhiên với trẻ!

Xem thêm các bài viết khác của Dr. Celine:

https://drceline.vn/cham-soc-suc-khoe-vung-kin-sau-sinh/

https://drceline.vn/7-tuyet-chieu-giup-mai-toc-ong-muot-vao-mua-dong/

https://drceline.vn/giam-dau-da-day-bang-sua-nghe-co-the-khong/

https://drceline.vn/5-loi-ich-tuyet-voi-ma-sua-nghe-mang-lai/

https://drceline.vn/tai-sao-nen-tang-sua-ngay-tet/

https://drceline.vn/vien-loi-sua-dr-celine-momcare-spirulina-co-gi-dac-biet/

Trả lời