Đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay ở người cao tuổi. Tuy nhiên không thể xem nhẹ căn bệnh này, bởi lẽ những biến chứng của bệnh nhất là những biến chứng về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi. Chẳng những thế, với những đối tượng là người cao tuổi có nhiều nguy cơ, khả năng phát triển các biến chứng như hạ đường huyết, suy thận, tai biến…hơn so với những người trẻ tuổi mắc bệnh.
1. Bệnh tiểu đường là gì?
Đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một căn bệnh mãn tính, đặc trưng bởi mức đường huyết cao do cơ thể không có khả năng sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin đúng cách hoặc cả hai.
2. Phân loại bệnh tiểu đường
– Bệnh tiểu đường type 1 hay có thể gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin và được chẩn đoán trong thời thơ ấu.
– Bệnh tiểu đường type 2 hay còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin và đây là loại bệnh phổ biến nhất hiện nay, thường được chẩn đoán ở người lớn từ 45 tuổi.
– Bệnh tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường chỉ xảy ra trong giai đoạn mang thai.
3. Một số vấn đề quan trọng cần được đặc biệt lưu ý đối với người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường
3.1. Tập thể dục điều độ
Người mắc bệnh tiểu đường tích cực và duy trì tập thể dục sẽ giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nhằm phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
3.2. Giữ vệ sinh cơ thể, đề phòng nhiễm trùng
Đặc biệt lưu ý, khi người bệnh bị thương, cọ xát gây thương tích cần sát trùng và điều trị ngay tránh vết thương bị nhiễm trùng, làm độc gây hoại tử vì vết thương của người bệnh rất dễ biến chứng, không khéo tình trạng vết thương sẽ trở nên nghiêm trọng hơn so với người bình thường.
3.3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học
Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn kiêng nhằm kiểm soát đường huyết cũng như tránh khỏi những biến chứng của bệnh mang lại. Chế độ ăn cụ thể như:
– Không nên ăn những loại thức ăn có chứa nhiều chất phụ gia; các chất kích thích…
– Nên ăn thanh đạm, ăn nhiều rau xanh, giảm bớt tinh bột, hạn chế tối đa các loại thức ăn có nguồn gốc từ mỡ động vật thay vào đó hãy dùng thức ăn có chưa đạm thực vật từ các loại đậu; hạn chế các loại thức ăn cấp đường nhanh như bánh, kẹo, nước ngọt có gas, trái cây chín như xoài, mít…
3.4. Dùng đúng loại thuốc
Bệnh nhân cần dùng thuốc đúng loại theo chỉ định bác sĩ để có thể khống chế lượng đường trong máu cũng như giảm thiểu tối đa những biến chứng nguy hiểm do tiểu đường mang lại. Chẳng những thế, bệnh nhân cần dùng đúng liều lượng, đúng thời gian bác sĩ đã kê đơn, tránh trường hợp nóng lòng tự ý đổi thuốc, tăng liều lượng của thuốc.
Lưu ý: Khi bệnh nhân mắc phải những biến chứng do bệnh tiểu đường mang lại, người bệnh cần mang theo thuốc đang sử dụng ở thời điểm đó để thuận lợi hơn trong công tác chẩn đoán và điều trị được diễn ra mộ cách chuẩn xác hơn, hiệu quả hơn. Bệnh tiểu đường rất dễ để lại những biến chứng nguy hiểm cho người mắc bệnh, chính vì thế người nhà cũng như bệnh nhân không nên chủ quan, lơ là mà hãy chú ý đến sức khỏe, những thay đổi của cơ thể, những chỉ số kiểm tra có gì bất thường sẽ báo ngay với bác sĩ để có thể nhận được sự can thiệp, điều trị sớm nhất có thể từ bác sĩ chuyên môn.
Như ta được biết, người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường khi về già và bệnh của họ thường sẽ có những biến chứng phức tạp hơn, khó trị hơn, nguy hiểm hơn so với những bệnh nhân trẻ tuổi. Chính vì thế, ta cần phải chăm sóc và điều trị những người cao tuổi mắc bệnh một cách hợp lý, khoa học hơn để có thể ổn định đường huyết và hạn chế những biến chứng do bệnh mang đến.