Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục ốm nghén khi mang thai

Ốm nghén thường được hiểu cơ bản là những cơn buồn nôn diễn ra nhiều lần trong một ngày đối với phụ nữ đang mang thai. Từ tuần thứ 4-5 của thai kỳ, phụ nữ mang thai thường sẽ bị ốm nghén và sẽ giảm dần khi thai kỳ được 3 tháng. Tuy nhiên có những thai phụ gặp phải tình trạng ốm nghén nặng và khó kiểm soát. Cùng Dr. Celine tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục ốm nghén qua bài viết dưới đây nhé!

1. Ốm nghén là gì?

Ốm nghén là tình trạng thai phụ xuất hiện những cơn buồn nôn trong giai đoạn mang thai, nó không phải chỉ diễn ra 1 lần mà là nhiều lần trong ngày. Tùy cơ địa của mỗi người mà tình trạng ốm nghén có thể nặng hoặc nhẹ, hoặc có những người may mắn không gặp phải cơn ốm nghén khi mang thai.

Ốm nghén cơ bản thường sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người mẹ.

Nếu trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu xuất hiện những cơn buồn nôn thoáng qua rồi hết thì đây được xem là tình trạng ốm nghén nhẹ. Ốm nghén nặng xảy ra khi mẹ bầu cảm giác buồn nôn liên tiếp trong vòng vài giờ và lặp lại nhiều lần trong ngày. Mỗi khi nôn là nôn hết tất cả thức ăn ra ngoài, điều này dẫn đến tâm lý chán ăn của nhiều mẹ bầu.

Nhìn chung, ốm nghén khi mang thai là một hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ. Đối với những phụ nữ mang thai gặp tình trạng ốm nghén nhẹ thì không cần quá lo lắng gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Nếu tình trạng ốm nghén diễn ra kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường, các mẹ bầu nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

2. Nguyên nhân dẫn đến ốm nghén

Theo các bác sĩ chuyên khoa không có một nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến ốm nghén. Tuy nhiên cũng có một vài ý kiến cho rằng ốm nghén xảy ra là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Cảm giác buồn nôn khi ốm nghén cũng bị kích thích bởi các loại thực phẩm có mùi quá nồng hoặc quá tanh.

Một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng ốm nghén khi mang thai như:

  • Yếu tố di truyền: gia đình có tiền sử bị ốm nghén nặng
  • Do thói quen ăn uống bất thường và chế độ dinh dưỡng không khoa học
  • Mẹ bầu có thể trạng yếu, dễ mệt mỏi
  • Căng thẳng, dễ xúc động trong giai đoạn mang thai cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ốm nghén

Bên cạnh những nguyên nhân trên, một số thai phụ có thể bị ốm nghén do:

  • Mang thai lần đầu
  • Mang đa thai
  • Cơ thể mẹ bầu quá gầy

3. Triệu chứng của ốm nghén

3.1. Buồn nôn và nôn

Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi mẹ bầu bị ốm nghén và sẽ xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng sớm. Không phải lúc nào mẹ bầu cảm thấy buồn nôn đều có thể nôn được, điều này gây khó chịu và có thể sẽ  ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày.

3.2. Thay đổi khẩu vị

Thay đổi khẩu vị cũng là một triệu chứng phổ biến của ốm nghén. Nhiều mẹ bầu trong giai đoạn mang thai sẽ cảm thấy thích những món ăn mà trước đây mình đã từng ghét. Tuy nhiên mẹ bầu nên lưu ý nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học, đừng chỉ ăn mỗi một món mình cảm thấy thích điều này sẽ khiến mẹ bầu bị thiếu chất dinh dưỡng.

Ngược lại, có nhiều mẹ bầu cảm thấy chán ghét mỗi khi nhắc đến thức ăn. Những món ăn trước đây đã từng rất thích bây giờ chỉ cần nhắc đến tên thôi là đã thấy buồn nôn.

3.3. Nhạy cảm với mùi vị

Khứu giác và vị giác của phụ nữ sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi họ đang trong giai đoạn mang thai. Vì thế, mẹ bầu sẽ dễ dàng nhận thấy và bị kích thích bởi các mùi vị xung quanh. 

Trong lúc mang thai, mẹ bầu thường sẽ cảm thấy khó chịu và buồn nôn đối với các mùi quá tanh hoặc nồng, mùi thuốc lá, mùi bia rượu, mùi nước hoa, mùi chất tẩy rửa,…

3.4. Cơ thể luôn uể oải, mệt mỏi

Cảm giác buồn nôn và tình trạng nôn ói diễn ra mỗi ngày khiến cho cơ thể mẹ bầu luôn cảm thấy uể oải và mệt mỏi. Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mẹ bầu hầu như bị đảo lộn, nhu cầu cần thiết nhất lúc này đó là nghỉ ngơi đầy đủ.

Ngoài các triệu chứng phía trên nếu mẹ bầu gặp phải các triệu chứng ốm nghén dưới đây cần phải đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời:

  • Thường xuyên bị ngất xỉu không kiểm soát được
  • Nôn ói dữ dội, nhiều hơn 3 lần mỗi ngày
  • Cơ thể bị mất nước, tăng nhịp tim hoặc hạ huyết áp
  • Vừa ăn hoặc uống vào là nôn ra hết, không giữ được gì trong dạ dày
  • Ốm nghén quá lâu, thường vượt qua 3 tháng đầu thai kỳ

4. Cách khắc phục ốm nghén

Dưới đây là một số cách khắc phục ốm nghén được khuyến khích bởi các chuyên gia, mẹ bầu hãy tham khảo nhé:

  • Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Thay vì mỗi ngày mẹ bầu ăn 3 bữa lớn thì nên chia ra thành 6 bữa nhỏ, để tránh tình trạng quá no hoặc quá đói. 
  • Không nên ăn và uống cùng lúc để tránh tình trạng nếu có nôn ói thì vẫn giữ được thức ăn hoặc nước uống trong dạ dày
  • Tránh tiếp xúc với những mùi gây khó chịu và các món ăn mẹ bầu chán ghét
  • Đừng để bụng đói, có nhiều mẹ bầu ăn vào là bị buồn nôn nên dần gây ra cảm giác chán ăn. Tuy nhiên, nếu để bụng trong trạng thái đói sẽ càng gây khó chịu dễ cảm thấy buồn nôn hơn.
  • Hạn chế đồ chiên, xào và nhiều dầu mỡ
  • Nên giữ cho tâm trạng thoải mái, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Đừng lo lắng hay căng thẳng quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ.
  • Ngoài nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý thì tập thể dục nhẹ nhàng cũng rất có ích đối với phụ nữ khi đang mang thai.

Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp nhiều mẹ bầu hiểu hơn về tình trạng ốm nghén, những nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục ốm nghén. Từ đó xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Những bài viết có thể xem thêm:

  1. Top những loại nước ép tốt cho bà bầu
  2. Mẹ bầu nên kiêng ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu
  3. Các vấn đề sức khỏe mà mẹ sau sinh hay gặp phải

Trả lời