Dinh dưỡng cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

Trong giai đoạn mang thai, có nhiều mẹ bầu không may gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây ra những biến chứng đối với mẹ và cả thai nhi trong bụng. Và một trong những vấn đề quan trọng mà mẹ bầu cần quan tâm đó là chế độ dinh dưỡng khi bị tiểu đường thai kỳ. Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu nhé!

1. Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý nguy hiểm, nó khiến nồng độ đường huyết của mẹ bầu tăng cao bất thường điều này có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Chính vì thế việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một trong những bước quan trọng cần làm khi các mẹ bầu đi khám thai định kỳ.

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể gặp phải các vấn đề như tăng nguy cơ sinh mổ và biến chứng sau sinh mổ, tăng nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Đối với những trẻ sau khi được sinh ra sẽ dễ bị hạ đường huyết và suy hô hấp.

Để tránh phải đối mặt với những vấn đề nguy hiểm này mẹ bầu cần phải kiểm soát được lượng đường mà mình nạp vào cơ thể, bên cạnh đó trong những lần đi khám thai định kỳ đều cần phải thực hiện kiểm tra tiểu đường thai kỳ để có thể phát hiện và có biện pháp khắc phục sớm.

2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp với bà bầu bị tiểu đường thai kỳ

Một chế độ ăn uống lành mạnh trong quá trình mang thai luôn mang lại những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe và có thể giúp mẹ bầu tránh xa các vấn đề về tiểu đường thai kỳ.

Và đối với các mẹ bầu đang bị tiểu đường thai kỳ nhất định cần phải có một chế độ ăn uống phù hợp vừa phải đảm bảo về mặt dinh dưỡng vừa phải đảm bảo về mặt đường huyết. Nếu mẹ bầu thực hiện chế độ ăn kiêng khem quá mức có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng từ đó suy giảm sức đề kháng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé yêu trong bụng.

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần phải thực hiện chế độ ăn uống phù hợp và cân bằng các chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

  • Về nhóm chất tinh bột mẹ có thể lựa chọn các loại thực phẩm có chứa chỉ số đường huyết thấp nhứ gạo lứt, ngũ cốc, các loại đậu nguyên hạt, bún tươi,…
  • Về nhóm chất đạm mẹ bầu nên ăn các loại thịt nạc, cá, trứng, sữa,…
  • Về nhóm chất béo mẹ bầu nên chọn những loại thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa như cá hồi, cá ngừ, dầu ô liu, dầu lạc,…
  • Về nhóm chất vitamin và chất khoáng, mẹ bầu nên chọn ăn những loại trái cây ít ngọt như bưởi, dưa gang, thanh long, cam, sơ ri,…để bổ sung vitamin và chất xơ

Và một số loại thực phẩm mà mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần tránh phải kể đến như bánh kẹo, các loại chè, các loại đồ ăn quá ngọt và những thực phẩm được chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, pizza,…

3. Thực đơn phù hợp cho mẹ bầu đang bị tiểu đường thai kỳ

3.1. Thực đơn bữa sáng

Bữa sáng là một bữa ăn rất quan trọng đối với hầu hết tất cả mọi người và đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai. Vì đây là một bữa ăn giúp cung cấp năng lượng cho cả một ngày dài sau khi chúng ta ngủ dậy. 

Thời điểm lý tưởng nhất để ăn bữa sáng chính là trong khung từ 7-8 giờ, sau khi thức tầm khoảng 30 phút hoặc 1 tiếng.

Ở bữa sáng này, mẹ có thể lựa chọn các thực phẩm như bánh mì nguyên cám, ngũ cốc, khoai lang luộc, cháo thịt bò, cháo yến mạch kèm với một ly sữa không đường hoặc các loại salad.

3.2. Thực đơn bữa trưa

Thời điểm lý tưởng để ăn bữa trưa cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ là trong khung giờ từ 12h – 12h30, và sẽ rất tốt nếu mẹ bầu duy trì khung giờ ăn cố định mỗi ngày.

Thực đơn cho bữa trưa cần phải cân bằng các nhóm chất như tinh bột, chất đạm và chất xơ.

Mẹ bầu nên ăn 1 bát cơm nhỏ cùng với các món như tôm hấp, thịt gà luộc, thịt bò xào cùng dầu ô liu, đậu phụ sốt cà chua,…ăn kèm các món giàu chất xơ như bắp cải luộc, dưa chuột, rau bina,…

3.3. Thực đơn bữa tối

Vào bữa tối các mẹ bầu có thể ăn các món như thực đơn ở bữa trưa nhưng nên thay thế các loại thịt bằng các loại cá để dễ tiêu hóa hơn.

Các món ăn vào buổi tối các mẹ nên ưu tiên chế biến bằng hình thức hấp, luộc, nướng vì các cách này không chứa nhiều chất béo như những cách chiên, xào,…sẽ giúp giảm các biến chứng về tim mạch ở các mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ.

3.4 Thực đơn bữa phụ

Ngoài 3 bữa ăn chính, các mẹ bầu nên có thêm 2 bữa ăn phụ vào khung giờ 9h sáng và 15h chiều. Khi ăn các bữa phụ sẽ giúp bụng đỡ bị đói, bổ sung thêm dinh dưỡng cho mẹ và bé, bên cạnh đó còn có thể giúp giảm bớt lượng thức ăn trong các bữa chính.

Ở những bữa ăn phụ, các mẹ bầu có thể ăn các món như sữa chua không đường hoặc ít đường, các loại hạt dinh dưỡng như hạt điều, hạt óc chó, hạt hạnh nhân,… hoặc các loại trái cây như bơ, táo, cam,…

4. Một vài lưu ý về chế độ ăn uống dành cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên lưu ý một vài vấn đề sau để có thể thực hiện chế độ ăn uống hợp lý và kiểm soát được tình trạng tiểu đường thai kỳ:

  • Khi bị tiểu đường thai kỳ, đường huyết của mẹ bầu sẽ có xu hướng tăng vào buổi sáng, vì thế mẹ bầu nên tránh ăn quá nhiều tinh bột vào buổi sáng. 
  • Hạn chế các thực phẩm quá mặn và thực phẩm được chế biến sẵn.
  • Uống đủ từ 2000-3000 ml nước mỗi ngày.
  • Nên duy trì thói quen ăn uống đều độ vào 1 khung giờ cố định trong ngày.
  • Tránh kết hợp những thực phẩm chứa nhiều carbs với nhau như bánh mì và khoai tây chiên.

5. Lời kết

Hy vọng qua bài viết này, các mẹ bầu sẽ phần nào hiểu thêm về bệnh lý tiểu đường thai kỳ và xây dựng cho mình một thói quen cũng như chế độ dinh dưỡng hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh.

BÀI VIẾT CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Những thực phẩm chứa nhiều Vitamin C bạn cần biết

Mẹ bầu nên kiêng ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu

1 thoughts on “Dinh dưỡng cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

  1. Pingback: Các nhóm chất dinh dưỡng mà mẹ bầu cần phải bổ sung - Dr. Celine

Trả lời